Trang chủ »  Con nuôi có được nhận thừa kế không?

 Con nuôi có được nhận thừa kế không?

            “Bố mẹ tôi có 03 người con, trong đó có 02 người con đẻ và 01 người con nuôi, cả 03 người con đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Nay bố mẹ tôi đã cao tuổi, trường hợp bố mẹ tôi mất mà không để lại di chúc, thì người con nuôi này có được thừa kế di sản do bố mẹ tôi để lại không?” một bạn ở Hà Nội hỏi. Để giải đáp câu hỏi này, Hãng luật Duy Tín mời bạn xem bài viết dưới đây.

1. Con nuôi có được thừa kế theo pháp luật Việt Nam không?

            Theo câu hỏi mà bạn đọc đưa ra “trường hợp mà bố mẹ tôi mất không để lại di chúc..”. Do người chết không để lại di chúc, nên đây là trường hợp thừa kế theo pháp luật. Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:

            “Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Như vậy, con nuôi được hưởng thừa kế theo pháp luật như con đẻ và ngược lại. Tuy nhiên, con nuôi được đề cập đến trong quy định nêu trên được hiểu là con nuôi “hợp pháp”, do câu hỏi của bạn không nêu rõ đây là con nuôi “hợp pháp” hay con nuôi “thực tế” nên chúng tôi xin giải thích rõ hơn dưới đây.

2.Thế nào là con nuôi hợp pháp, con nuôi thực tế ?

            Ở Việt Nam, việc nhận nuôi con nuôi đã có từ lâu, việc nhận nuôi con nuôi cho thấy tinh thần tương thân tương ái, yêu thương, gắn bó giữa người với người. Chính vì vậy, để phát huy tinh thần này, pháp luật Việt Nam đã ra đời Luật Nuôi con nuôi.

            Khoản 3 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2013 quy định: “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký

            Như vậy, việc nhận nuôi con nuôi phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo pháp luật về Nuôi con nuôi mới được coi là con nuôi “hợp pháp”. Nếu các bên chỉ nhận nhau là bố mẹ nuôi, con nuôi thì chỉ là lĩnh vực tình cảm; hoặc thực tế có nuôi dưỡng, ăn ở sinh hoạt, đối xử như con đẻ nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trường hợp này là con nuôi thực tế, chưa được công nhận là con nuôi hợp pháp.

3. Làm thế nào để con nuôi được hưởng thừa kế theo pháp luật như con đẻ

            Để con nuôi được hưởng thừa kế theo pháp luật như con đẻ, khi nhận con nuôi, các bậc cha mẹ cần thực hiện thủ tục nhận con nuôi theo trình tự như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhận con nuôi theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật Nuôi con nuôi. Thành phần hồ sơ gồm:

            1. Đơn xin nhận con nuôi của người xin nhận con nuôi ;

            2. Bản sao Hộ chiếu, Căn cước công dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế giấy tờ tùy thân của người xin nhận con nuôi ;

            3. Phiếu lý lịch tư pháp của người xin nhận con nuôi ;

            4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân của người xin nhận con nuôi ;

            5. Giấy khám sức khỏe; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế đối với người xin nhận con nuôi

            6. Giấy khai sinh của người được nhận nuôi;

            7. Giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế đối với người được nhận nuôi ;

            8. Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng của người được nhận nuôi;

            9. Biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi (nếu trẻ bị bỏ rơi); hoặc Giấy chứng tử hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ đã chết (đối với trẻ em mồ côi); hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích đối với cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi; hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi bị mất năng lực hành vi dân sự.

            10. Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

  • Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
  • Bước 3: UBND cấp xã trả kết quả hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi.

            Trên đây là chia sẻ của Hãng Luật Duy Tín về vấn đề “Con nuôi có được nhận thừa kế không?” Hy vọng bài viết đã giải đáp được câu hỏi của bạn, chúng tôi khuyến cáo bố mẹ bạn nên lập di chúc để đảm bảo quyenf và lợi ích hợp pháp cho người con nuôi.

            Với đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, tâm huyết, sẵn sàng tư vấn và đồng hành với khách hàng các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực pháp lý, trong đó có thừa kế và nhận con nuôi. Vui lòng liên hệ với chúng tôi qua https://luatduytin.vn/ hoặc Hotline: 0966.902.665 để được hỗ trợ.

                                                                                                           Nguyễn Trung Hiếu