KHIẾU NẠI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Trong thực tiễn, đã xảy ra nhiều trường hợp người tham gia tố tụng không đồng ý với hành vi, quyết định của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng. Khi đó quyền khiếu nại đã trở thành một công cụ pháp lý quan trọng để giúp người dân phản ánh, kiến nghị xem xét lại các quyết định hoặc hành vi tố tụng bị cho là chưa phù hợp. Vậy hãy cũng Hãng luật Duy Tín cùng tìm hiểu thêm các quy định về việc khiếu nại trong tố tụng hình sự trong bài viết sau đây.
Mục lục Ai có quyền khiếu nại ? Những quyết định, hành vi tố tụng nào có thể khiếu nại ? Người khiếu nại có quyền và nghĩa vụ gì ? Thời hiệu khiếu nại |

Ai có quyền khiếu nại ?
Điều 649 Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 nêu rõ về người có quyền khiếu nại:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bán án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định thủ tục rút gọn, quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp nhận hình phạt, tha tù trước thời hạn có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị, giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này.
Như vậy người có quyền khiếu nại là bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng và theo nhận thức chủ quan của người khiếu nại thì quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm trái pháp luật hoặc vì động cơ khác.
Những quyết định, hành vi tố tụng nào có thể khiếu nại ?
Theo Điều 470 của Bộ Luật tố tụng Hình sự về các quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại quy định như sau:
1. Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật này.
2. Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Người khiếu nại có quyền và nghĩa vụ gì ?
Người khiếu nại có một số quyền cơ bản sau đây:
– Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện để khiếu nại;
– Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án;
– Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;
– Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
– Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Về nghĩa vụ, người khiếu nại phải trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó. Ngoài ra, người khiếu nại còn phải chấp hành các quyết định khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật. Đối với trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Lê Nguyên Giáp