Những trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm hình sự (TNHS) là một dạng của trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải gánh chịu, TNHS được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), được thể hiện bằng việc bị áp dụng hình phạt trong bản án kết tội của Tòa án, và có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khác do BLHS quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được miễm, giảm trách nhiệm hình sự. Bài viết của hãng luật Duy Tín sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về những trường hợp được miễn, giảm trách nhiệm hình sự.
Mục lục I. Cơ sở của TNHS II. Những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự III. Những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự |

(Nguồn ảnh: Internet)
I. Cơ sở của TNHS
Căn cứ theo Điều 2 Bộ luật hình sự 2015 (BLHS 2015), người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với pháp nhân thương mại, chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại điều 76 BLHS 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
II. Những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự
a.Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Quy định này dựa trên tính lịch sử trong bản chất của tội phạm. Tội phạm là một hiện tượng xã hội, vì thế một người thực hiện hành vi phạm tội, do yêu cầu của xã hội và các quy định của pháp luật thì hành vi đó cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự, nhưng sau đó, khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội thì tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó bằng biện pháp hình sự nữa. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn có thể bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật khác như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự…
b. Khi có quyết định đại xá.
Đại xá là việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một loại tội phạm nhất định. Theo quy định của Hiến pháp, chỉ có Quốc hội có thẩm quyền quyết định đại xá. Văn bản đại xá có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội được nêu trong văn bản đó xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có án tích.
III. Những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự
a. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.Do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được xác định bằng hành vi của người phạm tội. Trong thực tế, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội đo tính phức tạp về cả phương diện thực tiễn và lý luận trong việc xác định căn cứ.
b. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa là người mắc một trong các bệnh mà y học coi đó là bệnh hiểm nghèo như bị ung thư, HIV-AIDS, tai biến,… Tuy nhiên, người mắc bệnh hiểm nghèo phải không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì mới được áp dụng căn cứ này để miễn trách nhiệm hình sự.
c. Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Việc tự thủ thể hiện sự ăn ăn, hối cải việc làm sai trái của mình nên xứng đáng được hưởng khoan hồng. Tuy nhiên mức độ khoan hồng còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách của Nhà nước, mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi phạm tội,…
d. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Căn cứ này chỉ được áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng nhưng do lỗi vô ý, không áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý. Ngoài ra, việc cơ quan tiến hành tố tụng có miễn trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ người phạm tội không thuộc trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Duy Tín về “Những căn cứ miễn trách nhiệm hình sự” để bạn đọc tham khảo. Bài viết không nhằm tư vấn cho trường hợp vụ việc cụ thể nào, các quy định của pháp luật được dẫn chiếu trong bài viết đang có hiệu lực tại thời điểm đăng tải bài viết và có thể bị sửa đổi, bổ sung, thay thế tại thời điểm Quý khách đọc bài viết. Mọi vướng mắc hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ: 0913.210.184 – 0966 902 665, hoặc gửi Email tới luatduytin@gmail.com để được hỗ trợ 24/24h.
Võ Minh Quân