Ai có quyền định giá và đấu giá tài sản thi hành án?
Hãng Luật Duy Tín nhận được câu hỏi như sau: ông A là bên bị thi hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật về tranh chấp hợp đồng tín dụng, tài sản bị thi hành án là quyền sử dụng đất đã thế chấp cho Ngân hàng B- bên được thi hành án. Hiện cơ quan thi hành án đang thực hiện thủ tục tổ chức đấu giá đối với tài sản thế chấp này. Ông A cần biết ai có quyền định giá và đấu giá đối với tài sản thi hành án.
Để giải đáp cho câu hỏi của ông A, chúng tôi xin đưa ra một số quan điểm qua bài viết dưới đây:
1. Thủ tục định giá tài sản kê biên
Quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ phải tiến hành thủ tục định giá tài sản thi hành án đã kê biên để làm giá khởi điểm bán đấu giá.
Theo quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự thì trong trường hợp của ông A, ngay sau khi tiến hành kê biên quyền sử dụng đất đã thế chấp của ông A, cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành thủ tục định giá quyền sử dụng đất này. Việc định giá đối với tài sản thi hành án có thể do bên bị thi hành án và bên được thi hành án thống nhất về giá trị tài sản thi hành án, hoặc mời tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp tiến hành định giá.
Để lựa chọn được tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp, bên bị thi hành án (ông A) và bên được thi hành án (Ngân hàng B) có thể thỏa thuận về việc mời tổ chức thẩm định giá cụ thể nào đó. Trên cơ sở thỏa thuận của các bên, Chấp hành viên sẽ tiến hành lập biên bản về thỏa thuận đó và Chấp hành viên sẽ ký hợp đồng với tổ chức định giá do bên bị thi hành án và bên được thi hành án đã thống nhất lựa chọn.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày kê biên tài sản mà các bên không thỏa thuận được về giá và tổ chức thẩm định giá hoặc tổ chức thẩm định giá do các bên lựa chọn từ chối ký hợp đồng dịch vụ thì Chấp hành viên sẽ ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh nơi có tài sản kê biên là quyền sử dụng đất của ông A.
Trường hợp không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên sẽ xác định giá của quyền sử dụng đất trên.
Trường hợp không đồng ý với định giá tài sản kê biên, các bên có thể yêu cầu định giá lại nhưng phải yêu cầu trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Việc yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu theo đúng quy định.

2. Bán đấu giá tài sản đã kê biên
Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự thì tùy theo giá trị, tài sản đã kê biên sẽ được bán theo một trong hai hình thức là bán đấu giá và bán không qua thủ tục đấu giá. Việc bán đấu giá đối với các động sản có giá trị từ trên 10.000.000 và bất động sản sẽ do tổ chức bán đấu giá thực hiện.
Bên được thi hành án và bên phải thi hành án có quyền thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thỏa thuận. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.
Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Duy Tín để bạn đọc tham khảo. Bài viết không nhằm tư vấn cho trường hợp vụ việc cụ thể nào, các quy định của pháp luật được dẫn chiếu trong bài viết đang có hiệu lực tại thời điểm đăng tải bài viết và có thể bị sửa đổi, bổ sung, thay thế tại thời điểm Quý khách đọc bài viết. Mọi vướng mắc hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ: 0913.210.184 – 0966 902 665, hoặc gửi e-mail tới luatduytin@gmail.com để được hỗ trợ 24/24h.
Nguyễn Trung Hiếu