Khi nào được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
Tài sản công là tài sản được Nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng nhiều tài sản công chưa được sử dụng hiệu quả, dẫn đến lãng phí, ảnh hưởng đến nguồn ngân sách. Vậy để khắc phục tình trạng này, các đơn vị sự nghiệp công lập có được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tạo thêm nguồn thu hay không? Và khi nào được dùng tài sản công vào sử dụng với mục đích nêu trên ? mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Khái niệm về tài sản công được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017 “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu sở hữu và thống nhất quản lý”.
Đây là loại tài sản thuộc quản lý của Nhà nước, được Nhà nước giao cho các cơ quan quản lý và sử dụng theo từng mục đích khác nhau như: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức đơn vị;Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; Tài sản công tại doanh nghiệp; Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dữ trữ ngoại hối nhà nước; Đất và các loại tài nguyên khác.
2. Điều kiện đưa tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết
Để sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh và liên kết thì tài sản công đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công như sau:
2.1 Đáp ứng các yêu cầu về việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
Để tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì cần thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:
“a) Được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57 và khoản 2 Điều 58 của Luật này cho phép;
b) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao;
c) Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao;
d) Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
đ) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản;
e) Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật;
g) Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định;
h) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.”
Theo đó, tài sản công phải được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt đề án như: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, đối với tài sản không thuộc phạm vi quyết định của những cơ quan, người có thẩm quyền nêu trên thì Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt đề án.
Đồng thời, việc sử dụng tài sản công đó không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước đang giao cho đơn vị sự nghiệp công lập đó; không làm mất đi quyền sở hữu tài sản công, bảo toàn và khả năng phát triển vốn, tài sản được Nhà nước giao; sử dụng đúng mục đích được giao, được đầu tư, mua sắm; phát huy được sự hiệu quả và công suất sử dụng tài sản; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật; đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thu từ việc kinh doanh để thực hiện tu sửa, bảo dưỡng và sửa chữa tài sản công theo quy định và tuân thủ theo quy định pháp luật có liên quan.
2.2 Phát huy công suất và hiệu quả trong quá trình sử dụng tài sản
Việc đưa tài sản công vào sử dụng phải đáp ứng đúng điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công:
“a) Sử dụng tài sản công trong thời gian không phải thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao;
b) Thời gian, cường độ sử dụng tài sản phải cao hơn khi chưa thực hiện kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết;
c) Cung cấp được nhiều dịch vụ công hơn cho xã hội.”
2.3 Xác định giá trị tài sản công theo đúng quy định
Để đưa tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì cần xác định chính xác giá trị của tài sản công theo từng mục đích sử dụng được quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định 151/2017/NĐ-CP:
Trường hợp đối với tài sản công cho mục đích cho thuê thì cần xác định giá cho thuê tài sản công phù hợp với giá cho thuê trên thị trường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ.Trường hợp đối với tài sản công cho mục đích liên doanh, liên kết thì cần xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết phải phù hợp với giá trị thực tế của tài sản trên thị trường.
Đặc biệt, tài sản công được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được trích khấu hao theo quy định.
3. Khi nào được đưa tài sản công được sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết
3.1 Đối với mục đích kinh doanh
Tài sản công được đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh chỉ khi thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Quản lý và sử dụng tài sản công:
“a) Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.”
Có thể thấy, trong trường hợp này tài sản công được đưa vào sử dụng với mục đích kinh doanh khi chưa được đơn vị công lập được giao quản lý, sử dụng hết công suất hay tài sản đó được đầu tư nhờ xây dựng, mua sắm theo dự án không do ngân sách nhà nước đầu tư được đơn vị công lập đó thực hiện.
Tài sản công được đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích cho thuê chỉ khi thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định 151/2017/NĐ-CP:
“a) Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 Nghị định này;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.”
Tài sản công được sử dụng vào mục đích cho thuê khi tài sản đó thuộc vào trường hợp được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng tài sản đó chưa được sử dụng hết các công suất, không thể áp dụng hình thức thu hồi hay điều chuyển.
Hoặc tài sản công thuộc trường hợp được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án mà được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt cho thuê, không do ngân sách đầu tư thì những trường hợp này tài sản công đó đủ điều kiện để được cho thuê.
3.3 Đối với mục đích liên doanh, liên kết
Tài sản công được đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết chỉ khi thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP:
“a) Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 45 Nghị định này;
b) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư;
c) Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định này.”
Tài sản công được sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết khi tài sản đó thuộc vào trường hợp được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng tài sản đó chưa được sử dụng hết các công suất, không thể áp dụng hình thức thu hồi hay điều chuyển.Hay tài sản công thuộc trường hợp được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án mà được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết, không do ngân sách đầu tư. Hoặc tài sản công đó đang trong thời gian không phải thực hiện nhiệm vụ được giao; thời gian, cường độ sử dụng không cao; cung cấp được nhiều dịch vụ công hơn xã hội thì tài sản công đó đủ điều kiện để liên doanh, liên kết.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Duy Tín để bạn đọc tham khảo. Bài viết không nhằm tư vấn cho trường hợp vụ việc cụ thể nào, các quy định của pháp luật được dẫn chiếu trong bài viết đang có hiệu lực tại thời điểm đăng tải bài viết và có thể bị sửa đổi, bổ sung, thay thế tại thời điểm Quý khách đọc bài viết. Mọi vướng mắc hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ: 0913.210.184 – 0966 902 665, hoặc gửi e-mail tới luatduytin@gmail.com để được hỗ trợ 24/24h.
Đỗ Phương Linh