Trang chủ » Những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại được pháp luật quy định

Những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại được pháp luật quy định

            Tranh chấp thương mại thường xảy ra trong hoạt động kinh doanh thương mại và quá trình giải quyết tranh chấp này có thể mất nhiều thời gian, công sức. Bài viết này của Hãng luật Duy Tín sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này cũng như những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại được quy định theo pháp luật

  Mục lục bài viết    
1. Tranh chấp thương mại là gì?    
2. Đặc điểm của tranh chấp thương mại    
3. Những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam
Các hình thức mang tính tài phán
Các hình thức không mang tính tài phán  

1. Tranh chấp thương mại là gì?

Tranh chấp thương mại được hiểu là những xung đột, bất đồng về quyền, nghĩa vụ và lợi ích kinh tế giữa các chủ thể trong quá trình xác lập và giải quyết các quan hệ kinh tế hoặc kinh doanh, thương mại.

Do tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta, hoạt động kinh doanh thương mại (KDTM) ngày càng đa dạng, không ngừng phát triển trong tất cả moi lĩnh vực kinh doanh sản xuất, thương mại và dịch vụ. Vì vậy, đã phát sinh nhiều dạng tranh chấp mới, có những biểu hiện đa dạng về nội dung và mức độ khác nhau như: tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty; tranh chấp giữa thành viên công ty với nhau trong quá trình thành lập, hoạt động và giải thể công ty; tranh chấp liên quan đến việc mua bán các loại cổ phiếu, trái phiếu; tranh chấp trong các lĩnh vực quảng cáo, bảo hiểm, kế toán, tư vấn, giám định; tranh chấp liên quan đến hối phiếu; tranh chấp liên quan đến việc bảo hộ bí mật thương mại…

2. Đặc điểm của tranh chấp thương mại

Thứ nhất, nội dung các tranh chấp luôn là những mâu thuẫn về các lợi ích kinh tế, tài sản. Điều đó là do mục đích cơ bản của mọi hoạt động kinh doanh là sinh lời và đối tượng đầu tư cũng như cái mà người kinh doanh nhằm đạt được sau quá trình đầu tư đều là tài sản.

Thứ hai, chủ thể của các hoạt động phát sinh tranh chấp đều là những người kinh doanh. Người kinh doanh có tâm lý mong muốn xác định quan hệ ổn định, lâu dài trên cơ sở hợp tác, tin cậy lẵn nhau. Mỗi bên đều có mục đích tối đa lợi ích kinh tế khi tham gia các quan hệ kinh doanh và trong quan hệ này, nghĩa vụ của chủ thể này là quyền tương ứng của chủ thể kia. Vì thế các tranh chấp phát sinh sẽ đe doạ ảnh hưởng xấu đến mục đích và hiệu quả hoạt động của các doanh nhân trong điều kiện lợi ích kinh tế của các bên phụ thuộc, ảnh hương lẫn nhau.                                                                               

Thứ ba, những tranh chấp KDTM gắn liền với các hoạt động kinh doanh. Hoạt động kinh doanh vốn rất đa dạng, chịu sự tác động, điều tiết của các quy luật và yếu tố riêng của thị trường,chẳng hạn như quy luật cung cầu, sự biến đổi quy luật của giá cả. Những tranh chấp phát sinh trong hoạt động KDTM cũng vì thế mà có những biến đổi về biểu hiện, mức độ và cả về đòi hỏi, cách thức giải quyết giữa các bên.

3. Những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam

  • Các hình thức mang tính tài phán

Theo nghĩa thông thường, quyền tài phán là quyền xử lý, xét xử đối với các hành vi vi phạm. Trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, hình thức mang tính tài phán là những hình thức mà có sự tồn tại của bên thứ ba mang trọng trách hòa giải hoặc xử lý, xét xử đối với các hành vi vi phạm, bao gồm: Trọng tài thương mại và Tòa án. Những quyết định của Tòa án hay Trọng tài không chỉ mang giá trị ràng buộc phải thực hiện mà buộc bên thua kiện phải thi hành các quyết định đó.

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại. Để đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết các bên phải có thoả thuận trọng tài. Trọng tài thương mại tồn tại dưới 2 hình thức bao gồm: Trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế.

Trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và trọng tài sẽ tự chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ tranh chấp. Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.

Về thẩm quyền giải quyết của trọng tài : Điều 2 Luật TTTM 2010 quy định gồm có: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Một tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài ngoài điều kiện trên còn phải đáp ứng điều kiện giữa các bên tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài.

(Nguồn ảnh: mạng internet)

Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của tòa án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Khi có tranh chấp, người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nếu muốn tòa án bảo vệ quyền và lợi ích cho mình thì phải gửi đơn kiện đến đúng cấp tòa án có thẩm quyền. Tòa án sẽ xem xét vụ việc và xét xử theo quy định của pháp luật.

  • Các hình thức không mang tính tài phán

Bao gồm thương lượng và hòa giải. Khác với các hình thức mang tính tài phán, thương lượng và hòa giải đề cao sự tự nguyện, tinh thần thiện chí của các bên, các quyết định không mang tính bắt buộc thi hành. Các bên có thể tự do áp dụng hoặc khước từ. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận hay sự nhất trí thì các bên có thê tiếp tục lựa chọn phương thức giải quyết mang tính tài phán.

+ Thương lượng

(Nguồn ảnh: Sưu tầm)

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp trong KDTM mà không cần đến vai trò của người thứ ba. Đặc điểm cơ bản của phương thức thương lượng là các bên cùng nhau trình bày quan điểm, chính kiến, tìm các biện pháp thích hợp và đi đến thống nhất thoả thuận để tự giải quyết các bất đồng.

Quá trình thương lượng để giải quyết các tranh chấp KDTM có thể được tiến hành bằng nhiều cách thức: thương lượng trực tiếp, thương lượng gián tiếp và kết hợp thương lượng trực tiếp với thương lượng gián tiếp.

+ Hòa giải

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP: Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được Hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết. Hoà giải là giải pháp mang tính tự nguyện, tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của các bên. Hòa giải viên với tính chất trung gian hoà giải phải có vị trí độc lập đối với các bên, không ở vị trí xung đột lợi ích với các bên hoặc không có những lợi ích gắn liền với lợi ích của một trong các bên trong các vụ việc đang có tranh chấp. Có hai phương thức hòa giải chủ yếu là: hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng:

– Hòa giải trong tố tụng được hiều là việc hòa giải được tiến hành khi vụ án đã nằm trong vòng tố tụng, tức là khi Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện. Thông thường, hòa giải trong tố tụng sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng đứng ra thực hiện.

– Hòa giải ngoài tố tụng là việc các bên trong vụ việc tự thương lượng hòa giải với nhau hoặc thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ như cơ quan hòa giải của UBND cấp xã… Thông thường, hòa giải ngoài tố tụng được tiến hành trước khi vụ việc được đưa đến Tòa án.

          Trên đây là bài viết  của Công ty Luật TNHH Duy Tín để bạn đọc tham khảo. Bài viết không nhằm tư vấn cho trường hợp vụ việc cụ thể nào, các quy định của pháp luật được dẫn chiếu trong bài viết đang có hiệu lực tại thời điểm đăng tải bài viết và có thể bị sửa đổi, bổ sung, thay thế tại thời điểm bạn đọc bài viết. Mọi vướng mắc hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý, xin vui lòng liên hệ: 0966.902.665– 0913210284, hoặc gửi E-mail tới luatduytin@gmail.con để được hỗ trợ 24/24h.

                                                                                                            Võ Minh Quân