Trang chủ » THẾ NÀO LÀ CHỨNG CỨ VỤ ÁN

THẾ NÀO LÀ CHỨNG CỨ VỤ ÁN

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án dân sự hay việc dân sự có nhiều trường hợp tài liệu, đồ vật không được coi là chứng cứ  để giải quyết, trong đó có cả một số tài liệu, đồ vật do chính người khởi kiện, người bị hại, người bị quy buộc phạm tội giao nộp. Vậy những tài liệu, đồ vật nào được coi là chứng cứ? Bài viết này của Hãng Luật Duy Tín sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khách quan về những quy định của pháp luật về chứng cứ và nguồn của chứng cứ

Mục lục                 
I. Thế nào là chứng cứ?
II. Chứng cứ gồm những thuộc tính nào  

I. Thế nào là chứng cứ?

a. Chứng cứ trong vụ việc dân sự

Căn cứ theo Điều 93 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

b. Chứng cứ trong vụ án hình sự

Căn cứ theo Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

II. Chứng cứ gồm những thuộc tính nào?

a. Tính khách quan

Chứng cứ là những gì có thật, là những thông tin, tài liệu, đồ vật khách quan tồn tại ngoài phạm vi chủ quan của con người. Bản chất của chứng cứ không thể bị tác động hay thay đổi bởi ý thức chủ quan của con người

b. Tính liên quan

Trong vụ án hình sự hay vụ án dân sự, các thông tin, tài liệu, thu thập được phải có sự liên quan nhất định đến vụ án/vụ việc đang giải quyết thì mới được coi là chứng cứ của vụ án/vụ việc đó. Sự liên quan của những thông tin, tài liệu được coi là chứng cứ sẽ được thể hiện qua mối quan hệ trực tiếp giữa những thông tin, tài liệu đó đối với đối tượng cần chứng minh trong tình tiết của vụ việc hoặc mối quan hệ gián tiếp khi thông tin, tài liệu được sử dụng để xác định các tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

c. Tính hợp pháp

Tính hợp pháp của chứng cứ là sự phù hợp của nó theo quy định của Bộ luật Tố tụng. Căn cứ theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, chứng cứ phải được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định. Đối với vụ án hình sự, tính hợp pháp cũung đòi hỏi chứng cứ được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định. Theo khoản 2 Điều 87 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lí và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự

Như vậy, không phải những tài liệu, đồ vật nào cũng là chứng cứ để giải quyết vụ án, vụ việc, chỉ có những tài liệu, đồ vật có đủ 3 thuộc tính nêu trên mới được coi là chứng cứ. Trong quá trình giải quyết, Cơ quan tố tụng hình sự hoặc Tòa án dân sự giải quyết vụ, việc đó sẽ thực hiện việc đánh giá chứng cứ để xem xét đối với tài liệu, đồ vật thu thập được.

                                                                                     Võ Minh Quân